Thủy tổ

LỜI GIỚI THIỆU
Quyển Tộc Phả họ Hàn Ngọc - Chi Ất lần này được biên soạn lại thay thế quyển Tộc Phả làm năm Tân Dậu (1981). Vì thời gian đó chưa có điều kiện tổ chức điều tra, khảo sát lại tình hình nhân sự trong tộc họ, cho nên có thiếu sót hoặc sai về nhân sự, mà nhân sự là yếu tố quan trọng nhất trong tộc phả; Ngoài ra phương pháp biên soạn còn thiếu những yếu tố cần thiết về con người, và sau này ( cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 ) khi có sự củng cố sinh hoạt họ tộc, thì dung lượng nhân sự đã tăng lên đáng kể, dù đã được tổ chức ghi chép bổ sung, nhưng về hình thức quyển tộc phả trở nên chắp vá khó đọc, và việc nhân bản không được thích hợp trong điều kiện công nghệ phát triển hiện nay. Mặc dù như vậy, quyển Tộc Phả làm năm Tân Dậu (1981), cùng với một số tư liệu tộc phả khác còn lưu giữ được, đều được coi là vật báu, có giá trị về lịch sử và nhân văn của dòng họ Hàn gốc Việt Nam nói chung, và hệ Hàn Ngọc nói riêng.
Do có chủ trương đặt vấn đề: " Tìm về cội nguồn Thuỷ Tổ "; Mở rộng tìm kiếm liên hệ hai chiều với những trường hợp di tản mất liên hệ, và các hệ họ Hàn khác ở Việt Nam. Cho đến nay, đã có sự liên hệ, trao tặng tư liệu tộc phả như sau:
* Tộc phả của hệ Hàn Đức ở tỉnh Hưng Yên, do ông Hàn Tam Nùng biên soạn, trao tặng.
Tộc phả hệ Hàn Đức ghi chép được từ bậc khởi tổ là Đức Tổ Hàn Đình Giá, Ngài làm tri huyện Đường Hào, trấn Sơn Nam, thời hậu Lê ( không ghi niên hiệu ), cho đến các đời sau là 17 đời, đã định cư ở Làng Thứa, Phủ lỵ Đường Hào ( Nay là xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).
* Tộc phả của hệ Hàn Quốc ở tỉnh Thanh Hoá và Hà Nam, do ông Hàn Đức Viêm đại diện liên hệ, trao tặng tháng 8 năm 2003.
Tộc phả của hệ Hàn Quốc ghi chép được từ bậc khởi tổ là Đức Tổ Hàn Quốc Lưu, Ngài
đô phù Bình Định Vương Lê Lợi Khởi nghĩa Lam Sơn, chống quân Nhà Minh (giặc Ngô)
(1418-1427); Tháng Chạp năm 1427 Giải phóng Thành Đông Quan, quân Minh rút về Tầu; Ngài lên ngôi tôn Vua Lê Thái Tổ ( 1428-1433), Niên hiệu Thuận Thiên. Ngài Hàn Quốc Lưu được phong chức: " Quản binh phù Nghĩa Hầu ". Tộc phả ghi từ bậc khởi tổ đến đời thứ 14 được cụ thể, còn tiếp từ đời 15 chưa ghi chép được đầy đủ cụ thể.
* Quyển Tộc Phả Họ Hàn Ngọc - Chi Ất, hàm chứa nội dung: Phả hệ lịch sử Đại Tộc họ Hàn Ngọc và Phả hệ họ Hàn Ngọc - Chi Ất; Ở Nguyên quán: Xã Dị Sử, Huyện Mỹ Hào, Tỉnh Hưng Yên; Sẽ được hoàn thành và xuất bản trong năm 2010 (Canh Dần); Được đăng tải trên mạng Truyền thông - Thông tin (Website ) Quốc gia; Sẽ đem lại tiện ích cho họ tộc, và hy vọng chương trình " Tìm về cội nguồn Thuỷ Tổ " sẽ được chắp nối khả dĩ xuyên suốt khoảng 700 năm từ khi thành lập (Cuối thế kỷ 13) và phát triển dòng họ Hàn gốc Việt đến nay. Cũng là sự mong muốn tìm về cội nguồn huyết mạch của những trường hợp di tản mất liên hệ lâu nay.
Mọi trường hợp và có cơ hội quan hệ, các thành viên trong họ Hàn hãy giúp đỡ lẫn nhau tìm về cội nguồn huyết mạch, trên tinh thần " Con một cha, nhà một nóc "; " Nhiễu điều phủ lấy giá gương ".

L Ờ I   T Ự A

I- Khái quát chung:
   Quyển " Tộc Phả Họ Hàn Ngọc - Chi Ất", được biên soạn lại thay thế quyển Tộc Phả làm năm Tân Dậu (1981); Sau khi đã được bàn định thống nhất trong họ tộc. Giao cho Ban Đại diện Gia tộc cùng với Trưởng tộc tổ chức thực hiện chương trình này.
   Quốc gia có Quốc Sử thể hiện quá trình phát triển của đất nước; Dòng họ có Tộc Phả và Gia đình có Gia Phả, thể hiện sự sinh thành và phát triển của mỗi gia tộc trong cộng đồng xã hội.
   Đó là nét đặc trưng văn hoá xã hội của nhiều dân tộc Châu Á, trong đó có Việt Nam.
* Tộc phả là tư liệu lịch sử của dòng họ, trong đó yếu tố nhân sự (con người và sự                việc) là chính yếu. Vì vậy, trước hết cần ghi chép những nội dung chính yếu về thân thế sự nghiệp của mỗi người, ở mỗi thời đại lịch sử, không phân biệt chế độ chính trị xã hội trong sự nghiệp của mỗi người; Những cá nhân tiêu biểu, điển hình được Triều Đình hoặc Chính Phủ ghi nhận công trạng, phong tặng danh hiệu, danh vị, phẩm hàm, chức, tước cao quý...; Nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975), thì ghi rõ quá trình hoạt động bản thân. Những người có Công Đức, Công Quả với Dòng họ, với Quê hương, được vinh danh tôn thờ, cũng  cần được ghi đầy đủ trong tộc phả.
* Trong phạm vi một gia tộc, việc phải quan tâm hơn trong công việc sưu tầm, ghi chép lại lịch sử của  dòng họ mình, có liên quan đến sự bảo vệ tính lành mạnh của dòng họ, cũng là một vấn đề quan trọng; Nếu không, khó tránh khỏi những sơ xuất, thất thoát, để sao lãng đi từng phần những truyền thống tốt đẹp của dòng họ, mà truyền thống ấy đóng góp hữu ích và thực tế nhất cho toàn bộ lịch sử đấu tranh kiên cường và sự phát triển lớn mạnh, phồn vinh của cả dân tộc. Lý do chủ yếu để biên soạn tộc phả  là ở chỗ đó.
* Làm Tộc phả là phương pháp hệ thống tổng hợp các gia phả (hộ gia đình), sắp xếp theo thứ tự phân chi và từng thế hệ, theo hình thái và quy mô hợp lý; Thể hiện Tộc phả như cây đại thụ: Có gốc, có cành, có ngọn rõ ràng.
* Điều quan trọng về nhân sự là đặt tên và chữ đệm, vì tên và chữ đệm vừa chỉ rõ cá nhân vừa chỉ rõ thuộc hệ tộc họ nào trong cộng đồng xã hội; Trong đó còn mang ý nghĩa tâm linh, nguyện vọng và tình cảm sâu sắc của mỗi gia đình; Là tư liệu sử dụng lâu dài trong pháp lý và tộc phả. Cứ theo Di Cảo của các vị Tổ tông từ đời thứ 8 đã bàn định thống nhất lấy chữ đệm là Ngọc, tức " Hàn Ngọc ", áp dụng cho toàn gia tộc; Xin trích ra nguyên văn phiên âm là: " Phân chi, phục dĩ Ngọc ruật, quan tiên Đức giác kỳ tương "; Dịch nghĩa đại ý là: Phân chi xong, đặt lại chữ đệm là Ngọc " Hàn Ngọc ", hệ Đức " Hàn Đức " cũng là anh em, cần quan tâm giúp đỡ tương trợ. Vì vậy, mong sao các hậu duệ trong gia tộc tự nguyện chấp hành.
* Tóm lại, quyển Tộc Phả họ Hàn Ngọc - Chi Ất  được biên soạn lại, là dựa vào những tư liệu tộc phả có tính lịch sử còn lưu giữ được, trong đó có những tư liệu biên soạn     
bằng chữ nho (Hán-Nôm), đã được dịch thuật ra quốc ngữ; Tư liệu điều tra, khảo sát
lại tình hình nhân sự trong họ tộc năm 2009; Tư liệu của các hệ họ Hàn khác ở trong nước liên hệ được; Các tư liệu liên hệ ở xã hội có liên quan đến gia tộc họ Hàn Ngọc. Các nguồn tư liệu thu thập được đã được xác minh, đối chiếu, tổng hợp và chỉnh lý để biên soạn quyển Tộc Phả này.

II- Nguồn gốc họ Hàn:
   Họ Hàn gốc Việt là dòng họ duy nhất có ở Việt Nam; Từ khi thành lập đến nay khoảng 700 năm; Cư trú tương đối tập trung, trong ngôn ngữ và sinh hoạt theo phong tục, tập quán thuần Việt. Địa danh: Làng Thứa, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, cũng là cái nôi của dòng họ Hàn. Đó là sự khảng định có tính lịch sử, xã hội và nhân văn.
* Họ Hàn có nguồn gốc từ họ Nguyễn: Khi Vua Trần Nhân Tông (1279-1293) ra Chiếu Chỉ đổi từ Nguyễn Thuyên thành Hàn Thuyên.
   Cụ Hàn Thuyên người làng Thanh Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương; Theo     " Việt Nam Sử lược " của Trần Trọng Kim, thì cụ Hàn Thuyên quê ở làng Lai Hạ, huyện Thanh Lâm, Phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương; Nay là xã Lai Hạ, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. (Nhìn vào địa đồ hiện nay, huyện Nam Sách không nơi nào có địa danh là Lai Hạ, Thanh Lâm; Có thể trong quá trình đất nước có sự thay đổi, thì địa danh cũng thay đổi; Huyện Lương Tài ở phía tây sông Thái Bình, huyện Nam Sách ở phía đông sông Thái Bình, thuộc một nhánh của Lục Đầu Giang; Địa giới 2 huyện tiếp giáp nhau).
   Cụ Hàn Thuyên là một Học Giả đời Nhà Trần, cũng là một Nhà Cách mạng Văn hoá một Nhà thơ chữ Nôm và yêu nước. Cụ làm tới chức Hình Bộ Thượng Thư; Cụ đề xướng ra các khuôn phép mới trong thơ ca Việt Nam, như các thể Song Phong, Lục Bát và các điệu Ca Trù. Sau này người ta gọi các khuôn phép đó là Hàn Luật. (Đối lại với Đường Luật của người Tầu); Cụ cũng phản đối dùng chữ Hán quá nhiều trong văn tự Việt Nam; Khuyến khích dùng chữ Nôm đã có; Chống lại âm mưu đồng hoá của Trung Quốc. Cụ để lại cho nhân dân ta nhiều tập thơ Nôm như: Quốc Âm Thi Tập; Phi Sa Tập, v.v.., nhưng tất cả đều đã thất lạc. Được biết khi quân Nhà Minh sang xâm chiếm nước ta (Thế kỷ 15) chúng đã ra lệnh tịch thu và mang cả về Trung Quốc những Văn kiện này.
* Việc đổi họ từ Nguyễn Thuyên thành Hàn Thuyên, sử chép rằng: Mùa thu năm 1282 tại sông Phú Lương (có sách ghi là sông Lư) thuộc địa phận huyện Nam Sách, Hải Dương có cá Sấu từ Biển Đông vào phá phách sự làm ăn yên ổn của ngư dân. Cụ làm bài văn đuổi cá Sấu, hoá thả xuống sông, từ đó cá Sấu biến mất. Bài văn đuổi cá Sấu vẫn còn truyền tụng. (Trong "Việt Nam Văn học Sử yếu" của Dương Quảng Hàm có trích đoạn:                     
                                 " Ngạc ngư kia hỡi ! mày có hay ?
                                      Biển Đông rộng rãi là nơi mày
                                      Phú Lương đây thuộc về thánh vực
                                      Lạc lối đâu mà lại đến đây ?
                                      Há chẳng nhớ rằng nước Việt xưa
                                      Dân quen chài lưới chẳng tay vừa
                                      Đời Hùng vẽ mình Vua từng dậy
                                      Xuống nước giao long cũng phải chừa,
                                   Thánh thần nối dõi bản triều nay
                                      Dấy từ Hải Ấp ngôi trời thay (*)
                                      Võ công lừng lẫy bốn phương tĩnh
                                      Biển lặng sông trong mới có rày,
                                      Hùm thiêng ra dấu dân cày cấy
                                      Nhân vật đều yên đâu ở đấy,
                                      Ta vâng đế mạng bảo cho mày:
                                      Hãy về Biển Đông mà vùng vẫy ".
(*) Hải Ấp là nơi phát tích đời Nhà Trần ).  
   Vua Trần Nhân Tông thấy vậy khen tài của Cụ ngang với tài Hàn Dũ bên Tầu, (Vì trước đó Hàn Dũ cũng làm bài văn đuổi cá Sấu trên một con sông ở Triều Châu bên Tầu). Nên ra Chiếu Chỉ đổi họ cho Cụ từ Nguyễn Thuyên thành Hàn Thuyên.
Kể từ đó có họ Hàn gốc Việt (cuối thế kỷ 13).
* Vì thời gian đã rất xa, không cho phép ta truy cứu ra được nguyên nhân, cụ thể vì sao và vào lúc nào con cháu cụ Hàn Thuyên lại di chuyển từ Lai Hạ, Lương Tài,... tới Làng Thứa, Dị Sử, mặc dù đây không phải là một vấn đề khó hiểu.
* Dị Sử là Làng sở tại của Phủ Lỵ Đường Hào (sau này là huyện Mỹ Hào), nằm sát quốc lộ 5, cách Lai Hạ, Lương Tài không quá 50 km; Vốn sầm uất, có tiếng là một nơi văn vật, nhiều sĩ phu, sĩ tử, (Truyền tục đã có một khoá thi có tới 18 sĩ phu cùng nhập trường một lúc và đều thi đậu Tiến Sĩ, nhóm này tách ra để "chuyên tu" và lập thành làng Đa Sĩ, nhưng vẫn hỗn canh hỗn cư với Dị Sử).
   Vì thế, có thể Dị Sử cũng là nơi "Đất Lành chim đậu" (Tất nhiên còn có thêm những nguyên nhân cụ thể khác nữa), mà con cháu cụ Hàn Thuyên mang nhau đến đây sinh cơ lập nghiệp, cùng với di dân của một số dòng họ khác cũng đến đây sinh sống. Tuy còn một số chi tiết nhỏ, có cơ hội phải được sưu tập thêm. Nhưng chúng ta đã có cơ sở chính đáng để xác định quan điểm về sự kiện này là chính xác.

III- Sự phân tản trong dòng họ:
   Đặc điểm nước ta là một nước luôn có chiến tranh xâm lược và chống xâm lược. Dân cư khi tụ khi tản, không mấy lúc được yên ổn. Ngay như trong thời đại cận kim, cùng lúc với thực dân Pháp sang xâm lược nước ta; Giặc Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, dưới chiêu bài Thái Bình Thiên Quốc (khởi thuỷ của nông dân Trung Quốc nổi dậy chống áp bức) sang tàn phá cướp bóc nước ta; Đã khiến cho cư dân vùng Bãi Sậy, Đường Hào, một mặt càng có cơ hội giương cao ngọn cờ Độc Lập Dân Tộc, nhưng mặt khác cũng vấp phải những khó khăn vô cùng gian chuân vất vả. Gần như không có một dòng họ nào trong khu vực này có được một cuốn gia phả ghi chép liên tục lấy vài trăm năm. Gia phả mất cũng dẫn tới chỗ họ hàng bị phân liệt. Do đó, có những dữ kiện
không truy cứu được, những sự việc không hình dung hết được.
   Tình huống họ Hàn cũng nằm trong bối cảnh này.
   Cụ thể như trong Làng Thứa, xã Di Sử, cái nôi của dòng họ Hàn, mà cũng đã có 8 hệ khác nhau, không còn giữ được mối liên hệ gia tộc với nhau; đó là 7 hệ Hàn Ngọc và 1 hệ Hàn Đức (Nói 1 hệ Hàn Đức là gộp lại để đơn giản hoá việc tra cứu, chứ thực sự trong hệ Hàn Đức cũng có những chi không truy cứu ra được mối quan hệ họ tộc).
1- Hệ Hàn Ngọc (hệ có 2 chi lớn là Giáp, Ất) gồm các vị đại diện như:
   1-1 Chi Giáp, đời thứ 12 có các cụ: Hàn Ngọc Tam (Trưởng Tam); Hàn Ngọc Nhỡ (Hai Nhỡ); Hàn Ngọc Nội (Ba Nồi); Hàn Ngọc Giác (Tư Giác); Hàn Ngọc Cảnh
(Năm Kẹo); Hàn Ngọc Kính (Sáu Kính); Hàn Ngọc Chuẩn (Bẩy Kèn).
   Nói thêm về chi Giáp: Các ông thuộc đời thứ 13 chỉ còn nhớ được các cụ đời thứ 10 là: 1) Hàn Thị Bé Hà; 2) Hàn Ngọc Bình, vợ là Nguyễn Thị Lăng; 3) Hàn Ngọc Thinh (Kinh) vợ là Nguyễn Thị Ngọc; 4) Hàn Thị Tám; 5) Hàn Thị Liễn; 6) Hàn Ngọc Hoà, vợ là Phạm Thị Nho. Thì các cụ: Bình; Thinh, phiêu bạt đi làm ăn ở nơi khác và mất liên hệ (vào khoảng những năm 1845); Chỉ còn cụ Hàn Ngọc Hoà (con út), vợ là Phạm Thị Nho ở lại quê, hai cụ sinh hạ được 4 con trai là:  
1) Hàn Ngọc Huy; 2) Hàn Ngọc Bến; 3) Hàn Ngọc Kinh (Cơ); 4) Hàn Ngọc Roãn, thuộc đời thứ 11; Thì 3 cụ là: Huy; Bến; Kinh cũng phiêu bạt đi đâu không rõ (khoảng những năm 1865-1870); Chỉ còn cụ Hàn Ngọc Roãn, vợ là Nguyễn Thị Mai ở lại quê sinh sống, và sinh hạ các cụ đời thứ 12 như đã nêu trên.
   1-2 Chi Ất, đời thứ 12 có các cụ: Hàn Ngọc Tảo (Khoá Trẻ); Hàn Ngọc Huyến
(Khóa Le); Hàn Ngọc Kính (Ba Bé); Hàn Ngọc Đôn (Trưởng Nuôi); Hàn Ngọc Đính (Đỏ  Đính); Hàn Ngọc Quý; Hàn Ngọc Dục (Cả Dục); Hàn Ngọc Từ (Hai Từ); Hàn Ngọc Lợi (Giáo Lợi); Hàn Ngọc Mỹ (Đội Mỹ); Hàn Ngọc Tạo (Hai Tạo); Hàn Ngọc Chung (Cả Chung); Hàn Ngọc Cừ.
2- Hệ của cụ Hàn Ngọc Cửu (Hai Út) và các ông Hàn Ngọc Tuân; Hàn Ngọc Từ; Hàn Ngọc Ẻn ...
3- Hệ các cụ Hàn Ngọc Tín (Trưởng Nhớn); Hàn Ngọc Oánh (Biện Oánh) ...
4- Hệ của cụ Hàn Ngọc Khôi (tức Biểu Khôi); Hàn Ngọc Hồng ...
5- Hệ của cụ Hàn Ngọc Viễn; Hàn Ngọc Lung (Hai Lung); và các ông Hàn Ngọc Sung Hàn Ngọc Thịnh ...
6- Hệ của cụ Hàn Ngọc Kết và các ông Hàn Ngọc Phát (Lớn); Hàn Ngọc Phát (Con).
7- Hệ của cụ Hàn Ngọc Sỹ (Trưởng Sỹ) và các ông Hàn Ngọc Tốt (Tài Tốt); Hàn Ngọc Xuân (Hai Xuân); Hàn Ngọc Hội (Ba Hội)...; Cũng có người đổi chữ đệm như Hàn Ngọc Kim thành Hàn Đức Kim (con cụ Tài Tốt).
8- Hệ Hàn Đức có các vị đại diện đời thứ 13 như sau (Theo Tộc Phả của hệ Hàn Đức ghi): Hàn Đức Thọ; Hàn Đức Đản; Hàn Đức Du; Hàn Đức Toàn; Hàn Đức Hoàn; Hàn Đức Sáng; Hàn Đức Trong; Hàn Đức Trình; Hàn Đức Thạch; Hàn Đức Chử;  Hàn Đức Lan; Hàn Đức Tùng; Hàn Đức Hoè; Hàn Đức Giang; Hàn Đức Khê; Hàn Đức Chương
Hàn Đức Phú; Hàn Đức Quý; Hàn Đức Hưng; Hàn Đức Ninh; Hàn Đức Khánh;
Hàn Đức Hội; Hàn Đức Trường ...                                                                                            
Ông Hàn Nhị Thuần hoạt động ở Miền Nam lại đổi thành Nguyễn Văn Ngọc, con cháu cũng đổi thành họ Nguyễn.                                                                                                 -  Người họ Hàn gốc gác ở Làng Thứa, Dị Sử di tản đi làm ăn nơi khác được 3-4 đời, gia phả mang theo bị thất lạc, cho người về quê tìm hiểu lại, nhưng vì thiếu yếu tố chưa  truy nguyên ra được; Ví dụ như:
* Năm 1952 trong thời kỳ đang có chiến tranh Việt-Pháp, có một người họ Hàn từ Thanh Hoá (Thị xã) về Dị Sử tìm kiếm họ tộc, gặp được ông Hàn Ngọc Lý dò hỏi, ông Lý đã dẫn đến gặp cụ Hàn Ngọc Đôn, nhưng cũng không xác định được thuộc hệ phái nào, đành phải tạm gác lại. Theo người này kể lại, tại Thanh Hoá có vài chục gia đình người họ Hàn được các người già truyền miệng cho hay là những người nguồn gốc từ Làng Thứa, Dị Sử di cư vào đã được 3-4 đời; Một số muốn tìm hiểu về quê hương nhưng chưa có điều kiện.
* Vào đầu thế kỷ 19, cụ Hàn Ngọc Cửu lên làm việc ở Cao Bằng, có lấy thêm vợ lẽ sinh được 2 con trai, khi cụ Cửu về quê, vợ con không muốn về xuôi. Vào khoảng năm 1940-1941 nghe phong phanh (Theo những người ở phố Thứa kể lại) có 2 người tự giới thiệu từ Cao Bằng về tìm kiếm dòng họ Hàn, 2 người này lưu lại phố huyện Mỹ Hào gần nửa ngày, nhưng không được ai chỉ dẫn cụ thể, nên lại đi. Căn cứ vào gia phả có ghi chép về trường hợp cụ Cửu lấy thêm vợ lẽ người Tầy ở Cao Bằng và sinh đẻ con cái ở đấy; Năm 1951 ông Hàn Huy Sán có dịp lên Cao Bằng, xin gặp Uỷ Ban Kháng chiến huyện Cao Bình tìm hiểu về việc này, được Uỷ Ban huyện cho biết, tại đây có mấy gia đình người Tầy họ Hàn, nhưng hiện nay họ đang lánh cư vào sâu trong núi, nên không gặp được.
* Hiện nay tại Hà Nội cũng có một số gia đình họ Hàn, còn nhớ quê gốc là Làng Thứa,  Dị Sử, cũng chỉ ra Hà Nội được 2-3 đời, nhưng không còn chân rết tại quê hương nữa, và không nắm được lai lịch cụ thể, như gia đình các ông Hàn Ngọc Mậu; Hàn Ngọc Bích; Hàn Ngọc Mai ...; Các gia đình này ra Hà Nội khởi đầu đến vùng Châu Long, Ngũ Xã (gần hồ Trúc Bạch), từ đời các cụ Hàn Ngọc Diệp; Hàn Ngọc Chi (khoảng năm 1890), khi các cụ mới 6-7 tuổi. Sau có những biến cố làm cho gia phả bị thất lạc.
* Vào khoảng năm 1910, cụ Hàn Ngọc Kính (cụ Ba Bé), cùng chị gái là Hàn Thị Chị, chồng là Lý Thụ, đi định cư ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên, lâu nay mất liên hệ. (Phả ghi: cụ Lý Thụ quê ở Thục Cầu, Việt Hưng, Văn Lâm, Hưng Yên; Là con rể cụ Chấn).
* Vào giữa thế kỷ 20 (1965-1966), ở Trung Quốc có cuộc " Cách mạng văn hoá ..."; Việt Nam là nước láng giềng có Hoa Kiều cư trú, không tránh khỏi những tác động bất lợi về vấn đề dân tộc (chủ yếu là vấn đề người Việt gốc Hoa). Những người họ Hàn gốc Việt cũng có những bàn tán, nghi hoặc; Là do khi một số người làm công chức dân sự và trong đơn vị quân sự, bị xem xét lại lý lịch. Cũng vào thời gian này, có một nhóm người  cao tuổi, tự giới thiệu mình là người họ Hàn ở tỉnh Phú Thọ về Làng Thứa, Dị Sử để tìm hiểu gia tộc họ Hàn (là do truyền miệng mà nhớ được), mong sao biết được cội nguồn dòng họ; Có gặp ông Hàn Đức Chử ở phố Thứa để tìm hiểu, nhưng do ảnh hưởng của vấn đề người Việt gốc Hoa, nên ông Chử ngại liên luỵ không dám tiếp đón; Nhóm người này ra đi. Ông Hàn Đức Phúc (là con cụ Cả Sáng) cũng
biết sự việc này; Ông lấy làm tiếc khi một sự việc đã bỏ qua; Ông còn nhấn mạnh: Tôi lấy làm tự hào là người họ Hàn gốc Việt.
-  Người họ Hàn đi lập nghiệp sinh sống ở nơi khác, nhưng vẫn liên hệ với họ tộc quê hương, như những trường hợp sau đây:
* Vào những năm 1950, ông Hàn Ngọc Luỹ về lập nghiệp sinh sống ở làng Đồng Lý,
huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, vì có chị ruột là bà Hàn Thị Vựng lấy chồng ở đấy.
* Vào những năm 1830, cụ Hàn Ngọc Du về Thị xã Hải Dương làm ăn rồi định cư luôn ở đấy; Khi tuổi già cụ Du về ở quê, và mất ở quê; Các con cháu sau này vẫn ở Thị xã Hải Dương sinh cơ lập nghiệp.
* Vào những năm 1920, cụ Hàn Ngọc Mỹ về làm việc ở huyện Thanh Miện, Hải Dương lấy vợ tại đấy và định cư luôn ở đấy. Khi kháng chiến chống Pháp kết thúc, chi này lại chuyển về Thị xã Hải Dương định cư, kết hợp với điều kiện công tác của các con tại đấy; Gần khu vực Cầu Cất, nay là Khu Bình Lâu, Phường Thanh Bình, Thành phố Hải Dương.
* Vào đầu năm (Bính Tuất) 1946, ông Hàn Ngọc Phức mất, bà Phức quê ở Tiền Hải, Thái Bình; Cuối năm Bính Tuất (1946) Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, bà Phức đưa các con tản cư về Tiền Hải, Thái Bình, rồi định cư luôn ở đấy. Các con là:
Hàn Thị Hải; Hàn Thị Sâm; Hàn Ngọc Úc; Hàn Ngọc Châu (tức Hàn Đức Thọ).
   Trên đây cũng mới chỉ là một số trường hợp còn tra cứu, ghi chép được; và cũng chỉ trong một thời kỳ ngắn mà đã có bao nhiêu sự việc xẩy ra của một dòng họ. Từ đó ta có thể hình dung được những gì đã có thể xẩy ra, những gì đã phát sinh và phát triển trong quá trình gần 700 năm về trước.

IV- Đặc điểm của người họ Hàn:
   Qua hiện tượng cụ thể, diên biến thực tiễn, nổi lên những nét như sau:
1- Về sinh lý: Người họ Hàn thể lực bình thường, không to béo cao lớn, trước đây tuổi thọ trung bình thấp, rất ít người thọ 60-70 tuổi; Ngày nay tuổi thọ đã được nâng lên, trung bình trên 70 tuổi. Có một số đời độc đinh, ít con hoặc không con.
2- Về tâm lý: Có lối sống phóng khoáng, giản dị, ưa thích văn học nghệ thuật; Rất thông minh và ham học tập, giầu ý chí tự lập; Ưa thích công tác nghiên cứu khoa học; Có khả năng tập hợp, đoàn kết, nhường nhịn lẫn nhau trên tinh thần tương thân tương ái.
3- Về chính trị: Rất yêu nước, yêu độc lập tự do; Biết và dám bảo vệ chân lý; Đó là những đức tính gương mẫu, can đảm của những người trong dòng họ qua các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, rõ ràng nhất là trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ;
Đó là những đức tính liêm khiết, khảng khái, trọng nghĩa khí.

   Khái quát: Là một dòng họ sống giản dị, thanh lịch, lành mạnh; Trọng nghĩa khí, yêu độc lập, tự do; Ưa thích văn học, nghệ thuật; Có nghị lực và có tính hiếu học./.

                                                                                Dị Sử, Ngày 19 tháng 8 năm 2010
                                                                                 Là Ngày 10 tháng 7 năm Canh Dần.

BAN BIÊN TẬP TỘC PHẢ HỌ HÀN NGỌC:
- Biên soạn chính: Hàn Ngọc Sơn, đời thứ 14.
- Phối hợp biên soạn: Hàn Ngọc Hinh, đời thứ 14; Hàn Vũ Uy, đời thứ 15.
- Phụ trách Website: Hàn Ngọc Hà, đời thứ 15; Email: ngoisaokhue vn@Gmail.com
- Trang Web: http://www.vietnamgiapha.com/ xemgiapha/3495/giapha.html
- http://hàn ngọc gia phả.vn
- Người chỉnh trang và in máy vi tính: Hàn Chung Thuỷ, đời thứ 15.

DANH BẠ ĐIỆN THOẠI:
- Hàn Ngọc Sơn: 03213.944.943;  03213.688.347.
- Hàn Ngọc Hinh: 03213.944.550;  DĐ: 01683.985.842.
- Hàn Vũ Uy: 0436.647.326;  DĐ: 0983.579.218.
- Hàn Ngọc Hà: DĐ: 0902.212.956.

                                                        * * * * *  

Số lượng xem

Lưu trữ Blog