THĂM ĐỀN THỜ CỤ HÀN THUYÊN
ĐỀN THỜ CỤ HÀN THUYÊN
Ngày 16 tháng 12 năm 2011, là ngày 22 tháng 11 năm Tân Mão.
Tôi là Hàn Ngọc Sơn cùng với ông Hàn Ngọc Hinh, hai anh em là người họ Hàn ở làng Thứa, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Đã đi thăm Đền thờ cụ Hàn Thuyên, khi nhận được tin đăng trên Báo điện tử Bắc Ninh: " Đền thờ Danh nhân khoa bảng Hàn Thuyên mới được xây dựng khang trang ", khánh thành vào đầu năm 2011. Đền thờ được xây dựng trên đất ở của cụ ngày xưa, ở thôn Lai Hạ, xã Lai Hạ, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ông Nguyễn Hữu Dính là trưởng chi họ của cụ Hàn Thuyên.
Từ quê tôi đến Lai Hạ khoảng 30 km, đi QL5 đến Quán Gỏi rẽ trái đi Ga Cẩm Giàng lại rẽ trái đi thị trấn Thứa và đi tiếp đến Lai Hạ, đường liên huyện, liên xã cũng dễ đi. (hoặc đi theo QL5 đến Lai Cách rẽ trái đi Phú Lộc, Văn Thai rồi theo đường đê đến Lai Hạ). Vì rằng dịp này ở Lai Hạ không có lễ hội gì, nên chúng tôi đến thẳng nhà ông Nguyễn Hữu Dính, năm nay 72 tuổi, là trưởng chi họ của cụ Hàn Thuyên ở Lai Hạ, được ông bà tiếp đón nhiệt tình, sau khi nghe chúng tôi giới thiệu là người họ Hàn về thăm Đền thờ cụ Hàn Thuyên và thăm chi họ Nguyễn Hữu ở Lai Hạ, - Một vùng quê thuần nông, yên bình ở bên sông Thái Bình là một nhánh của Lục Đầu Giang.
Đền thờ cụ Hàn Thuyên đã có từ lâu, nhưng trong chiến tranh nhiều lần bị tàn phá. Năm 1993 nhân dân Lai Hạ và dòng họ Nguyễn Hữu đã xây dựng lại Đền thờ cụ Hàn Thuyên ở mức thông thường, chưa được khang trang, năm 1995 được Bộ Văn hóa cấp "Bằng công nhận di tích LỊCH SỬ - VĂN HÓA" Quốc gia, do Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Trần Hoàn ký.
Năm 2004, UBND xã Lai Hạ đã thành lập Ban Vận động xây dựng, tôn tạo ngôi đền, từ nhiều nguồn kinh phí (của tỉnh, huyện và các nhà hảo tâm). Đền thờ mới được xây dựng khang trang, theo mô hình kiến trúc cổ (Đền, Đình, Chùa) ở Việt Nam. Hiện nay đang xây dựng nhà bia bên cạnh đền chính, vì hiện còn lưu giữ được 23 tấm bia đá cổ lớn nhỏ. - Đó là những di vật vô giá; dự kiến hoàn thành vào tháng 2 năm Nhâm Thìn
(2012) là dịp tế thần làng Lai Hạ.
Chúng tôi đến thăm Đền, có ông Dính, ông Ban là em ông Dính cùng đi, cụ Phạm Văn
Sẻn là người được lãnh đạo và nhân dân địa phương ủy nhiệm trông nom Đền thờ cụ Hàn Thuyên, cụ Sẻn tính tình cởi mở, nhiệt tình, sau khi pha trà mời khách và giới thiệu khái quát về ngôi Đền, cụ Sẻn mở cửa Đền và dẫn chúng tôi vào thăm nội cung ban thờ, những đồ thờ tự tương đối đầy đủ, đẹp đẽ, được các nhà hảo tâm cung tiến. Chúng tôi thắp hương đăng lễ cáo tổ tông chứng giám lòng thành hiếu nghĩa, cùng sở thị các di sản văn hóa đang được lưu giữ ở đền.
Thăm ngoại cảnh, nhìn tổng thể khuôn viên Đền thờ rộng khoảng 1 ha, qua lời cụ Sẻn giới thiệu: - Tất cả đất đai của Đền là đất ở của cụ Hàn Thuyên ngày xưa, nhà cửa của cụ ngày xưa không còn dấu tích gì, còn những bia đá là có từ thời trước do nhân dân Lai Hạ lập Đền thờ cụ và ghi tạc bia đá về công đức của cụ như: Thượng thư Hình Bộ Nguyễn Tướng công ngự tứ danh Hàn Thuyên thần vị, …; còn nhiều công trình phụ cần làm như: Nhà khách và phương tiện sinh hoạt, làm sân nền, vườn hoa cây cảnh, cổng Đền, v.v.. ; Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã có ý kiến: Ban Quản lý Đền thờ phải là những đồng chí Lãnh đạo huyện và Lãnh đạo xã chịu trách nhiệm.
Thăm hỏi về dòng họ Nguyễn Hữu được biết, hiện nay nhiều chi họ đã di tản đi làm ăn ở nơi khác như: Yên Thế, Bắc Giang; Thái Nguyên; Quảng Ninh; …; Ngay gia đình ông Dính các con cũng vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc và cư trú ở đấy.
Ngày giỗ Tổ 17/ 5 âm lịch hàng năm (là ngày mất của cụ Hàn Thuyên) tổ chức tại nhà Trưởng tộc và làm lễ dâng hương ở Đền thờ.
Những tư liệu tộc phả ghi chép được rất ít, được nghe nói lại đôi điều về cụ Hàn Thuyên chỉ là dã sử. Năm 2010 có đoàn họ Hàn ở Quỳnh Lưu, Nghệ An ra thăm Đền, để tìm hiểu về gốc tích họ Hàn, có tặng bức Bích chương ghi bài văn tế đuổi cá Sấu của cụ ngày xưa, hiện để tại nhà trưởng tộc.
Nói chuyện với ông Dính, ông Ban: Dòng họ Nguyễn Hữu là dòng họ lớn, tiền tổ là ngài Nguyễn Bặc, Thái Tể Đinh Quốc Công, Công thần Khai Quốc Nguyên huân, thời Đinh Tiên Hoàng (968-979), có công dẹp loạn 12 xứ quân, lập lên cơ nghiệp Nhà Đinh.
Nhà thờ ngài Nguyễn Bặc ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là nhà thờ chung của dòng họ Nguyễn toàn quốc. Tế Tổ vào ngày 13/10 âm lịch hàng năm.
Ngài Nguyễn Thuyên, tức Hàn Thuyên, Thái học sinh, Thượng thư Bộ Hình thời vua Trần Nhân Tông (1279-1293). Chi họ Nguyễn Hữu ở Lai Hạ là chi họ của cụ Hàn Thuyên, nơi đây được coi là chỗ quê nhà một thời cụ Hàn Thuyên đã ở; Rất tiếc không có tư liệu ghi chép về dòng họ để lưu truyền cho các đời sau, hiện nay cũng không có người trông nom công việc này, ông Dính bộc bạch: Trong họ không có ai làm được công việc này, tôi thì mắt kém không thể viết gì được. Ông Ban nói lại một chuyện truyền khẩu rằng: Khi cụ Hàn Thuyên về ở Lai Hạ, có xây dựng trang viên để ở, kiểu nhà giống như cung điện nhà vua, vì thế mà coi như phạm thượng, cụ bị xử phạt theo lệ "Tam ban Triều điển" (Ban gươm tự xử) dành cho các đế vương, khanh tướng phạm tội chết. Cụ đã ném gươm xuống sông Lục Đầu, cùng con cháu bỏ đi nơi khác để mai danh ẩn tích; Có nhẽ vì thế mà ở Lai Hạ không còn chi họ Hàn nào.
Câu chuyện trên cũng có phần nào liên quan với câu chuyện ở Lưu Đồn: - Cụ Hàn Thuyên đã về ở làng Lưu Đồn thuộc xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình ngày nay, là nơi cả 4 anh em cụ đã về trí sĩ. Vì biết mình bị tội chết không thể thoát được, mới làm sẵn huyệt mộ rồi xuống đó tự chết, có dặn lại rằng: "Bí mật cẩn tích, ngôn thế tiền nhân" (Cha ông xưa đã dặn phải tuyệt đối giữ bí mật). Cũng vì thế mà tộc phả của chi họ Nguyễn ở Lưu Đồn cũng không ghi chép được về các hậu duệ của chị họ cụ Hàn Thuyên.
Phần mộ của cụ Hàn Thuyên được dòng họ và nhân dân làng Lưu Đồn xây dựng tôn tạo thành Lăng mộ khang trang, ở cánh đồng Qui Đông, làng Lưu Đồn, xã Thụy Hồng.
Lăng mộ cụ Hàn Thuyên
Ông Nguyễn Văn Tuộn là Trưởng tộc của 4 chi họ Nguyễn ở Lưu Đồn, ông Nguyên Duy Cuông thuộc ngành trưởng trông nom phần tộc phả, ông Nguyễn Văn Thành là trưởng chi họ của cụ Hàn Thuyên ở làng Lưu Đồn, xã Thụy Hồng.
Thưa chuyện với các vị trong họ Nguyễn Hữu ở Lai Hạ: Là chúng tôi mới bước đầu đi tìm hiểu về Đền thờ cụ Hàn Thuyên và làng quê Lai Hạ, tới đây họ Hàn ở Dị Sử muốn tổ chức một đoàn gồm các thế hệ về thăm và làm lễ dâng hương ở Đền thờ cụ Hàn Thuyên. Được các vị hoan nghênh và góp ý là: Đoàn nên đến thăm vào dịp khánh thành nhà bia.
Chia tay với gia đình ông Nguyễn Hữu Dinh và các vị trong họ Nguyễn Hữu ở Lai Hạ thật lưu luyến, mong ngày gặp lại.
* * *
Hàn Ngọc Sơn